Nộp hồ sơ vào 20 đại học Mỹ, hôm 19/3 nhận thư trúng tuyển từ Đại học Amherst với học bổng bốn năm 304.000 USD (7 tỷ đồng), Dung đã rút hồ sơ 7 trường khác. “Đặt nhiều kỳ vọng vào Amherst nên em rất vui. Em rút bớt hồ sơ để nhường cơ hội cho ứng viên khác”, cô gái có mái tóc đen dài, khuôn mặt bầu bĩnh giải thích. Theo US News & Report 2020, Amherst xếp thứ hai trong nhóm trường đại học khai phóng (National Liberal Arts Colleges).
Rất yêu thích Đại học Pennsylvania, nữ sinh lớp 12 Anh1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam vẫn giữ hồ sơ ở trường này, nhưng không hy vọng. Cuối tháng 3, Dung “tưởng như đang nằm mơ, đọc đi đọc lại hơn 10 lần” thư báo trúng tuyển. Là thành viên khối Ivy League, Pennsylvania xếp thứ sáu trong danh sách đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ năm 2020, đồng hạng với Chicago, Stanford.
Nữ sinh kết thúc gần bốn tháng chờ kết quả với 8 email “Congratulations” đến từ các đại học: Lawrence University, Depauw University, Miami University, Sewanee University, Yale-NUS College, Amherst College, Mount Holyoke College và University of Pennsylvania. Trong đó, Dung được học bổng từ 7 trường với tổng trị giá 2 triệu USD cho bốn năm học, mức thấp nhất một tỷ đồng.
Là con thứ hai trong gia đình, anh trai từng học tại Anh, Dung ấp ủ giấc mơ du học từ những năm THCS. Năm 2017, học xong lớp 10, Dung là một trong bốn học sinh Việt Nam giành học bổng trao đổi ASSIST. Đây là chương trình giao lưu văn hóa dành cho học sinh lớp 10, 11 với các trường tư thục ở Mỹ. Hoàn thành một năm, học sinh phải trở về để học nốt chương trình phổ thông.
Điều làm Dung nhớ nhất trong một năm ở Mỹ là được tham gia National Walkout Day, sự kiện phản đối nạn bạo lực súng đạn tại trường học do học sinh toàn nước Mỹ khởi xướng. Dự án làm thay đổi cái nhìn màu hồng của cô gái Việt Nam về nước Mỹ. Nhiều học sinh nơi đây đang bị đe dọa về thể chất và tinh thần bởi những vụ xả súng. Câu chuyện không làm Dung sợ hãi mà khiến em nhận ra phải có cái nhìn đa chiều về các vấn đề, tránh lối tư duy phiến diện.
Trở về Việt Nam, Dung tập trung cho kỳ thi chuẩn hóa SAT I và SAT II. Em dự định hoàn tất kỳ thi khi học lớp 11 để năm cuối cấp tập trung viết luận và chọn trường. Tuy nhiên, do được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh nên khối lượng bài tập tăng gấp đôi, thời gian chuẩn bị rút ngắn lại.
Cuối năm lớp 11, Dung đạt 1530/1600 SAT I, 800/800 môn Toán và Vật lý, 710/800 môn Sử Mỹ ở kỳ thi SAT II, giải ba thi học sinh quốc gia môn tiếng Anh 2018. Nữ sinh cho rằng kết quả thi chuẩn hóa chưa phải là xuất sắc nhưng vẫn hài lòng. “Em đã học được rằng phải đánh giá một vấn đề ở nhiều khía cạnh, điểm số chưa cao không làm em buồn, thay vào đó phải trau dồi các mặt khác để chứng minh khả năng của mình”, Dung nói.
Lên lớp 12, Dung bắt đầu viết luận và tìm hiểu các đại học Mỹ. Chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng cho hồ sơ du học nhưng khi đi sâu vào hai nhiệm vụ này, Dung mới nhận ra bây giờ mới bắt đầu. Khó khăn đầu tiên là chọn trường.
Từng tham quan đại học Amherst và Pennsylvaina, Dung yêu thích và quyết định nộp hồ sơ. Tuy nhiên, lo ngại sức cạnh tranh và khả năng tài chính không đáp ứng được yêu cầu của hai trường danh tiếng, Dung ứng tuyển thêm vào những trường top 100 trong nhóm đại học quốc gia và đại học khai phóng để “tăng cơ hội trúng tuyển”.
Mỗi trường trong top 100 có thế mạnh riêng nên Dung dành một cuốn sổ tay ghi ưu, nhược điểm, mức học bổng của từng trường và xin tư vấn của anh chị khóa trên, bạn bè tại Mỹ. Có những đêm, em thức đến 3-4h sáng hỏi bạn bè nước ngoài và tìm đọc thông tin về các trường. Sau khoảng hai tháng tìm hiểu, Dung dự định nộp hồ sơ vào 20 trường.
Đến việc viết luận, Dung lại gặp khó khăn. Với bài luận chính, em viết về cuộc trò chuyện với một tín đồ đạo Cao Đài từng gặp gỡ trong chuyến du lịch Đà Lạt đầu năm 2019. Dung nhận ra mỗi tôn giáo, dù phổ biến hay thiểu số, nếu hướng con người đến vẻ đẹp chân, thiện, mỹ đều cần được tôn trọng và giữ gìn.
Viết trong khoảng một tuần, Dung bật khóc khi người hướng dẫn nhận xét phải viết lại. Đến lần thứ hai, thứ ba vẫn bị trả về khiến em nghi ngờ liệu bản thân có phù hợp với con đường du học. Nhìn lại quãng thời gian bốn năm cấp ba, Dung nhận ra mình đang tiến gần đến ước mơ nên xốc lại tinh thần và viết thêm 10 bản nháp khác trước khi hoàn thành bài luận chính thức.
Ngoài ra, Dung còn phải chuẩn bị hơn 20 bài luận phụ cho từng trường. Mỗi trường yêu cầu riêng, nữ sinh phải liên hệ khoảng thời gian tại Mỹ. Em cho rằng yếu tố khiến bản thân trở thành ứng viên được lựa chọn không nằm ở điểm số hay thành tích ngoại khóa mà nhờ bài luận phụ chia sẻ những điều học được từ nền giáo dục Mỹ và khẳng định mong muốn tiếp tục học tập tại quốc gia này.
Quyết định mạo hiểm nộp trường top đầu đã mang lại cho Dung “niềm hạnh phúc lớn nhất từ trước đến nay”. Nếu thông báo của Đại học Amherst giúp em trút bỏ mọi âu lo thì thư chúc mừng từ Đại học Pennsylvania khiến em vỡ òa sung sướng. Hiện Dung phải đứng trước lựa chọn nơi chốn học tập trong bốn năm từ hai ngôi trường yêu thích.
Dung muốn theo học ngành Toán ứng dụng và Tôn giáo học. Vì yêu thích Toán học nhưng chưa có thời gian đào sâu nghiên cứu, Dung dự định tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này ở đại học. Tôn giáo học cũng là lĩnh vực Dung quan tâm nhưng chưa được tiếp cận nên em sẽ tận dụng cơ hội học tập tại Mỹ để nghiên cứu sâu.
Cô Trần Phương Hoa, Giám đốc điều hành của Tổ chức giáo dục Summit, nhận xét Dung là học sinh toàn diện, tích cực tham gia các dự án tại Việt Nam và Mỹ. “Ban đầu, Dung còn chưa biết thể hiện con người mình với hội đồng tuyển sinh, nhưng trong quá trình làm hồ sơ, em đã chịu khó đào sâu suy nghĩ, có định hướng chiến lược cụ thể và sẵn sàng mạo hiểm để thực hiện mục tiêu”, cô giáo nói.
Còn 4 tháng nữa mới sang Mỹ, Dung lo lắng kỳ thi THPT quốc gia ngày 8-11/8 chậm một tháng rưỡi so với mọi năm có thể khiến em phải lùi lịch nhập học, vì cả Amherst và Pennsylvania đều khai giảng tháng 8. “Sau khi chọn trường, em sẽ gửi thư để trình bày hoàn cảnh và tìm hướng giải quyết”, Dung nói.
Tú Anh- Vnexpress