Ngày 12/3, Hiền Nga, học sinh lớp 12 Hóa 1 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận thư báo trúng tuyển từ Đại học Công nghệ Nanyang cùng mức hỗ trợ toàn phần trị giá 151.080 SGD (2,5 tỷ đồng). Theo bảng xếp hạng QS, Nanyang đứng thứ hai trong top đại học quốc gia tốt nhất Singapore năm 2020, xếp thứ 11 trên bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2020, đồng hạng với Đại học Quốc gia Singapore.
Cuối tháng 3, Nga nhận tiếp thư báo giành học bổng ASEAN trị giá 93.400 SGD. Ban đầu, nữ sinh ước tính mức hỗ trợ tài chính có thể nhận là 57.680 SGD, chi trả gần 50% học phí mỗi năm do đăng ký Tuition Grant. Đây là chương trình hỗ trợ học phí của chính phủ Singapore dành cho sinh viên quốc tế, yêu cầu sau khi tốt nghiệp ở lại làm việc tại Singapore 3 năm.
“Em bất ngờ khi biết mình giành học bổng ASEAN. Ngoài chi trả phần học phí còn lại sau Tuition Grant, học bổng ASEAN hỗ trợ 5.800 SGD sinh hoạt phí mỗi năm”, cô gái dáng cao gầy chia sẻ.
Học tốt môn Hóa từ những năm cấp 2, Nga trúng tuyển lớp chuyên Hóa trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và bắt đầu nghĩ đến du học. Trong khi nhiều bạn đặt mục tiêu đi Mỹ, em lựa chọn Singapore vì biết quốc đảo này có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên quốc tế.
Lớp 10, Nga vừa học ở trường vừa tìm hiểu về UEE – kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang. Thí sinh học lực giỏi có thể gửi hồ sơ qua mạng, nhà trường sẽ căn cứ vào hồ sơ để chọn ra ứng viên dự thi ba môn gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý hoặc Hóa học. Mỗi năm, hai trường chọn khoảng 40-50 tân sinh viên từ kỳ thi này.
Mẹ làm về công nghệ thông tin, từ nhỏ Nga được nghe về ứng dụng của lĩnh vực này trong đời sống. Lớn lên, Nga thường tìm đọc tin tức về công nghệ và ấn tượng với thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Đánh giá công nghệ thông tin đang tạo ra nhiều việc làm và các trường Singapore có thế mạnh trong đào tạo, Nga nhen nhóm ý định ứng tuyển nhóm ngành này.
Dù yêu thích công nghệ thông tin, Nga bảo mất nhiều tuần phân vân có nên theo đuổi hay không. Hầu hết học sinh chuyên Hóa sẽ chọn ngành Y dược hoặc Hóa sinh trong khi nhóm ngành công nghệ cần học tốt Vật lý, môn không phải thế mạnh của em. Cuối cùng, em quyết định đăng ký ngành Khoa học dữ liệu và AI vì có thể thi bằng Vật lý và Hóa học để gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Vốn có nền tảng tốt ở môn Hóa lại được làm quen nhiều dạng đề nâng cao trên lớp, Nga không gặp nhiều khó khăn khi ôn tập. Em nhận xét môn Hóa tại Việt Nam nhiều bài tập về tính toán, các phép tính tương đối phức tạp trong khi Hóa ở đề thi UEE yêu cầu học sinh hiểu rõ hiện tượng hóa học, phép tính đơn giản. Hai dạng bài có tính chất bổ sung lẫn nhau, giúp Nga hiểu vấn đề toàn diện, từ đó nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào tính toán.
Đến môn Vật lý, thời gian đầu ôn luyện, bài tập sai nhiều, kiến thức chưa nắm chắc nên Nga lo lắng không thể theo kịp các bạn. Em phải đem chỗ chưa hiểu đi hỏi bạn bè, thầy cô. Bài tập sai, em đánh dấu để làm lại sau một tuần. Qua hơn bốn tháng ôn tập, Nga vui khi thấy điểm số môn Vật lý dần cải thiện nhưng không dám chủ quan, vẫn duy trì phương pháp ôn tập như trước.
Cuối năm lớp 11, khi việc học song song đi vào ổn định, Nga dành thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa. Em là thành viên ban Thiết kế – Truyền thông cho HEO (Healthy Everyday Organization), dự án cung cấp kiến thức về sức khỏe, hướng tới các em nhỏ.
Lựa chọn ban Thiết kế – Truyền thông, Nga muốn thử sức ở những hoạt động có tính sáng tạo, năng động để làm mới bản thân. Dù hoạt động ngoại khóa không liên quan đến ngành ứng tuyển, Nga vẫn đưa vào hồ sơ để trường hiểu rõ về em. “Ngành công nghệ thông tin đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo nên hồ sơ đa dạng có thể giúp em chứng tỏ bản thân phù hợp với yêu cầu của trường”, Nga nói.
Chuẩn bị bài luận từ tháng 10/2019, Nga mất một tuần hoàn thiện bài viết 300 từ. Nga biết bài luận của đại học Singapore không đòi hỏi những điều to tát mà cần ứng viên chân thực, thể hiện được giá trị cá nhân. Vì thế, em cố gắng trải nghiệm những điều mới mẻ trong cuộc sống và không ngại sự thay đổi. Em lấy dẫn chứng từ quyết định bước ra khỏi vùng an toàn, lựa chọn ngành công nghệ thông tin vốn trái ngược với lĩnh vực Hóa học đã theo đuổi suốt 5 năm. Dù lần thử sức này có thể thất bại, Nga vẫn hài lòng vì đã dốc can đảm và công sức để thay đổi.
Thầy Phạm Văn Thuận, người phụ trách chương trình UEE tại Trung tâm giáo dục Hexagon, nơi Nga học thêm, nhận xét Nga học giỏi, chăm chỉ và khiêm tốn. “Trong gần hai năm học, điểm số các môn khoa học của Nga cải thiện rất đáng kể, dù giai đoạn bắt đầu khá hạn chế. Nhiều bạn học giỏi tương đương Nga tại Hexagon, nhưng có lẽ kết quả làm bài thi tốt và một chút cơ duyên đã giúp Nga nhận học bổng toàn phần”, thầy Thuận chia sẻ.
Bốn tháng nữa, Nga sẽ sang Singapore theo đuổi đam mê công nghệ thông tin. Dù thời gian nhập học tại Singapore trùng với thời gian thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam, Nga không lo lắng. Em tin rằng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, trường đại học sẽ chuẩn bị phương án hỗ trợ sinh viên quốc tế. Hiện Nga tìm hiểu thêm về cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua báo tiếng Anh, trau dồi khả năng ngoại ngữ để sớm bắt nhịp với cuộc sống du học.
Không ngần ngại thử sức ở lĩnh vực mới, Nga nhắn nhủ những bạn có ý định du học Singapore: “Khi chuẩn bị bài luận, các bạn hãy thể hiện trọn vẹn nhất giá trị của bản thân để không chỉ ghi điểm mà còn giúp hội đồng tuyển sinh hiểu rõ và đặt niềm tin vào bạn”.
Tú Anh- Vnexpress