NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Sinh viên có kỳ vọng cao đối với các trường khi nói đến tính bền vững: 87% muốn thấy điều này được quảng bá tích cực; trong khi hơn một nửa tin rằng tính bền vững nên được đưa vào khóa học.
Trang Times Higher Education đã xếp hạng các trường đại học trên khắp thế giới về cách họ cam kết với một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc. Trong đó, chỉ số SDG số 12 xem xét đến mức tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm.
Các bảng xếp hạng xem xét các chương trình nghiên cứu, hoạt động, báo cáo về các chương trình phát triển bền vững và tái chế. Dựa trên phân tích đó, dưới đây là năm trường đại học hàng đầu về tái chế và bền vững:
1) Đại học Cork (University College Cork)
Năm 2007, sinh viên tại Đại học Cork (UCC), Ireland, đã thiết lập một chương trình Khuôn viên xanh để cải thiện các cơ sở tái chế và giải quyết vấn đề quản lý chất thải xung quanh khuôn viên trường.
Kể từ đó, UCC đã cắt giảm 36% lượng khí thải carbon, trồng 2.500 cây trong khuôn viên trường và tăng số người đi xe đạp lên 90%. Thư viện của trường, một trong những tòa nhà sử dụng nhiều năng lượng nhất trong khuôn viên trường, đã giảm 9% mức sử dụng năng lượng và tăng 700% trong tái chế thông qua chương trình bền vững.
Trường đại học này là ngôi trường đầu tiên trên thế giới được trao Cờ xanh từ Quỹ giáo dục môi trường – một tổ chức toàn cầu gắn kết sự bền vững trong suốt quá trình giáo dục.
2) Đại học Newcastle (Newcastle University)
Đại học Newcastle có một đội ngũ chuyên trách về bền vững (Sustainability Team) chuyên trách về quản lý môi trường trong toàn trường – giúp giảm mức sử dụng năng lượng và khí thải, thúc đẩy các lựa chọn phát triển bền vững.
Newcastle là một trong 20 trường đại học Vương quốc Anh gần đây đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua chung gói năng lượng gió tái tạo trị giá 64 triệu đô la.
Vào tháng 4 năm 2019, trường đại học đã ban hành một tuyên bố khẩn cấp về khí hậu, trong đó, cam kết giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hứa hẹn sẽ đạt được mức phát thải bằng không vào năm 2040.
3) Đại học Dundee (University of Dundee)
Thông qua chính sách môi trường và bền vững, Đại học Dundee đã cam kết giảm thiểu chất thải, tái chế nhiều hơn và sử dụng tốt hơn các vật liệu tái chế, tăng cường thu hồi phế liệu.
Một ví dụ về điều này là việc sử dụng nền tảng Warp-it, nơi mà những món đồ nội thất đã qua sử dụng sẽ tìm được ngôi nhà mới, từ đó giảm rác thải.
Trường đại học cũng bán hàng tái chế trong các cửa hàng thuộc khuôn viên trường và cung cấp cho sinh viên các điểm tái chế để họ có thể nhận được một khoản cho mỗi chai nhựa mà họ mang đến.
4) Đại học Đông Phần Lan (University of Eastern Finland)
Đại học Đông Phần Lan đang hướng tới là một khuôn viên không giấy tờ; chỉ sử dụng giao tiếp nội bộ điện tử và tránh in bất cứ nơi nào có thể.
Các văn phòng hành chính đã được WWF cấp nhãn hiệu Văn phòng xanh cho cam kết thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhân viên và sinh viên được khuyến khích tái sử dụng càng nhiều càng tốt, bao gồm hộp mực và đồ nội thất.
Trường đại học cũng cam kết tăng cường tái chế và giảm thiểu chôn lấp chất thải.
5) Đại học Aberdeen (University of Aberdeen)
Tại Đại học Aberdeen, sinh viên, nhân viên và cư dân địa phương được khuyến khích quyên góp các mặt hàng điện bị hư hỏng để tái chế. Trường đại học cũng tuân theo Kế hoạch Không chất thải của Scotland, với mục tiêu vào năm 2025, muốn giảm 15% tổng lượng chất thải ở Scotland so với năm 2011.
Ngôi trường đã giảm hơn 100.000 tấn nước sử dụng mỗi năm nhờ hệ thống ống nước được tinh chỉnh. Một kế hoạch quản lý carbon trong 5 năm sẽ giảm hơn 8.500 tấn khí thải và tiết kiệm gần 2,2 triệu đô la vào cuối năm 2021.
Thái Hằng
(Theo Weforum)