Vũ Việt Bách (19 tuổi, sinh viên ngành Kỹ thuật, Đại học Canterbury, New Zealand) cùng ba – kỹ sư Vũ Việt Chiến vừa giành giải cao nhất tại “Triển lãm công nghệ quốc tế SIIF” tổ chức ở Hàn Quốc. Phát minh “Vstar – Công nghệ Quản trị Doanh nghiệp, Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Nhà Sản xuất” của Bách và ông Chiến vượt qua gần 300 giải pháp công nghệ mới của 42 nước.
Bách cho biết, công nghệ chống giả BG của Vstar là công nghệ chống hàng giả mới được ứng dụng mã vạch nén, cho phép 36 lớp bảo mật khác nhau, có thể khắc phục được những hạn chế của các công nghệ chống hàng giả khác đang được ứng dụng trên thế giới (như tem chống hàng giả thông minh, tem QR code, tem Hologram…).
Vstar được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, giá thành triển khai thấp, nhiều tiềm năng ứng dụng trên thị trường quốc tế. Sản phẩm là ấp ủ của hai ba con Bách trong sáu năm, phải chỉnh sửa hàng trăm lần.
Vũ Việt Bách, hiện là sinh viên Đại học Canterbury (New Zealand). |
Nam sinh 10X đã nghiên cứu lập trình từ phổ thông, trong suốt ba năm liền. Các môn học Công nghệ, Đa vật liệu… ở trường cấp ba tại New Zealand là nền tảng giúp chàng du học sinh Việt đào sâu nghiên cứu. Vừa theo học ở New Zealand vừa làm dự án cùng ba tại Việt Nam, Bách phải nỗ lực gấp đôi, nhiều hôm thức đến tận khuya để kịp tiến độ.
“Giáo dục New Zealand giúp em phát triển kỹ năng, niềm đam mê vào công nghệ từ sớm, học cách lập luận logic và tư duy sáng tạo. Nhờ chọn du học đúng thời điểm, em có thời gian tập trung vào lĩnh vực yêu thích, đạt thành tích cao trong cuộc thi. Em thấy bản thân trưởng thành hơn và tự tin theo đuổi con đường trở thành Kỹ sư chuyên nghiệp”, Bách nói.
Nam sinh Việt nhiều năm liền là học sinh giỏi, nhận học bổng Trung học New Zealand và bốn suất học bổng Đại học.
Nắm bắt cơ hội du học từ cấp ba
Bách kể, khi đang học lớp 8 ở Vũng Tàu, em được trường trung học Auckland Grammar School cấp học bổng. Mong muốn trải nghiệm nền giáo dục chất lượng, văn hóa mới, nâng cao tiếng Anh… em “khăn gói” đến xứ sở Kiwi.
Bách cho biết, ấp ủ giấc mơ du học, em ôn luyện tiếng Anh từ cấp một. Trong hồ sơ xin học bổng, Bách tập trung trả lời câu hỏi sao cho thuyết phục: ‘Tại sao bạn nghĩ bạn xứng đáng nhận được học bổng này?’. Một số thành tích học tập, hoạt động xã hội giúp em “làm đẹp” hồ sơ.
Dù là học sinh mới ở New Zealand, nam sinh Việt không ngại chia sẻ với giáo viên chương trình học quá nhẹ, khiến em cảm thấy nhàm chán. Tự tin thể hiện chính kiến nên chàng du học sinh được nhiều giáo viên biết đến và dành thiện cảm. Sau khi xem xét thành tích học tập, Bách được lên thẳng lớp 11.
“Học sinh ở New Zealand tự do thể hiện quan điểm cá nhân, phản biện lại giáo viên trong việc học và nhiều khía cạnh nếu hợp lý. Giáo viên luôn lắng nghe ý kiến, tạo điều kiện cho học sinh”, Bách nói.
Việt Bách (giữa) nhận học bổng du học của trường trung học Auckland Grammar (New Zealand). |
Nhận học bổng và được rút ngắn thời gian học cho Bách bước đà để tiến xa. Chương trình phổ thông ở New Zealand chỉ có sáu môn nên nam sinh làm quen phương pháp học, nâng cao tiếng Anh dễ dàng hơn. Không nhiều áp lực học hành, Bách có thời gian nghiên cứu dự án Vstar.
Bách cho biết, nếu học xong cấp ba mới du học, em có ít thời gian đầu tư cho lĩnh vực yêu thích, mất một năm dự bị đại học, chương trình đại học lại khó. Vừa làm quen cuộc sống vừa bắt nhịp việc học, nếu không làm tốt, em dễ bị bỏ lại. Em thấy nhiều du học sinh thường khó đạt kết quả cao trong năm đầu đại học, cảm thấy căng thẳng.
“Tuy nhiên, chọn du học sớm còn tùy thuộc hoàn cảnh của mỗi người: khả năng tài chính, sự tự lập, có thể vượt qua nỗi nhớ nhà… Nếu lựa chọn đúng, bạn có trải nghiệm sống thú vị, trưởng thành và nhiều cơ hội thành công hơn bạn bè cùng lứa”, Bách nói thêm.
Trường học là nơi để trải nghiệm
Tại New Zealand, Bách được khuyến khích tự học và nghiên cứu, phát hiện vấn đề. Bách chia sẻ, đôi khi ranh giới giữa đúng và sai không quá quan trọng. Nếu đưa ra lập luận thuyết phục, cho thấy tính hiệu quả, bạn vẫn có thể đạt điểm cao dù đi ngược số đông. Còn nếu học thuộc bài thì chỉ đủ qua môn.
Bách ví dụ khi học về máy lọc nước trong môn Hóa, giáo viên sẽ dạy lý thuyết, phương pháp lọc. Cả lớp được đi đến nhà máy để thấy rõ thiết bị hoạt động. Bài tập về nhà là nhận xét ưu, nhược điểm của phương pháp hiện có, đề xuất của mỗi cá nhân. Dựa vào tính khả thi, khả năng áp dụng thực tiễn trong bài tập của học sinh mà giáo viên xem xét sự đầu tư, cho điểm phù hợp.
Từ cấp ba, Bách bắt đầu học tín chỉ, viết bài luận, tạo ra sản phẩm thực tế. Bách vẫn nhớ lần tự tay đóng tủ gỗ trong bài thi cuối kỳ môn Kỹ thuật Vật liệu. Bách dành thời gian nghiên cứu thị trường nội thất trong nước, tự sáng tạo thành phẩm độc lạ của riêng mình. Phần lợi thế, tính khả thi của sản phẩm khi bán ra thị trường… được Bách trình bày trong bài luận dài gần 50 trang.
Trải nghiệm thực tế giúp mỗi bài học đều thú vị, Bách không sợ “học chay” như trước. Nam sinh không mất nhiều thời gian làm quen phương pháp học. Để đạt điểm cao, bí quyết của Bách là luôn đặt câu hỏi, tìm cách cải tiến vấn đề, chú trọng sáng tạo vì đây yếu tố giáo viên đánh giá cao.
Lớp học New Zealand trang bị cơ sở vật chất hiện đại tạo điều kiện thực hành cho học sinh. |
Ở trường trung học, Bách còn được định hướng nghề từ sớm. Gia đình Bách vốn có truyền thống theo nghề Y, ban đầu, nam sinh cũng phân vân giữa Y và Kỹ thuật. Nhờ học các môn tự nhiên (Công nghệ, Đa vật liệu, Toán học…) từ cấp ba, nam sinh thấy được thế mạnh của bản thân và chọn con đường phù hợp.
Với Bách, trường học ở New Zealand là nơi tuyệt vời cho hoạt động ngoại khóa. Nam sinh Việt tham gia nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện, câu lạc bộ cờ vua, hướng dẫn học sinh mới đến trường, kết nối với bạn bè đa quốc gia…
“Phương pháp học tập hiện đại, được tạo điều kiện thuận lợi giúp em tự tin chinh phục những thành tích, mở ra cơ hội mới cho bản thân” Bách nói.
Kim Uyên
vnexpress