MƯỜI PHƯƠNG PHÁP GIÚP ÍCH CHO VIỆC HỌC TIẾNG ANH THIẾU NHI TẠI NHÀ
MƯỜI PHƯƠNG PHÁP GIÚP ÍCH CHO VIỆC HỌC TIẾNG ANH THIẾU NHI TẠI NHÀ
Ngày càng có nhiều phụ huynh muốn cho con mình tiếp cận và học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Tôi thường hay gặp cha mẹ của những đứa trẻ mới chỉ hai hoặc ba tuổi và họ đã chia sẻ quan điểm rằng việc sử dụng thành thạo tiếng Anh sẽ giúp con họ dễ dàng tiến xa hơn trong thời đại toàn cầu hóa. Nói cách khác, đối với phụ huynh, trẻ bắt đầu học ngoại ngữ này càng sớm thì càng tốt.
Yếu tố quan trọng nhất không thể không nhắc đến để trẻ em học tiếng Anh thành thạo chính là sự quan tâm và khuyến khích từ chính các bậc cha mẹ, bất kể con cái họ đang ở độ tuổi nào. Vậy với vai trò là phụ huynh, bạn có thể làm gì ở nhà để hỗ trợ việc học của trẻ? Sau đây là top 10 mẹo hữu ích từ đội ngũ giáo viên của chúng tôi dành cho bạn.
- Bạn hãy tự học tiếng Anh
Để xây dựng một thái độ tích cực đối với việc học và nhất là với một ngôn ngữ như tiếng Anh, xuất phát điểm tốt nhất chính là ngay từ bản thân bạn. Nếu bạn gửi con đến một lớp học tiếng Anh, tại sao bạn không tham gia một lớp tiếng Anh? Việc cùng nhau trau dồi tiếng Anh chính là cơ hội tuyệt vời để bạn có thể dành thời gian với con cái và xây dựng một thái độ tích cực đối với quá trình học và nói một thứ tiếng khác.
Hội đồng Anh gần đây đã có một cuộc khảo sát trên 2.000 người ở độ tuổi trưởng thành đến từ Vương quốc Anh và nhận thấy rằng 40% trong số họ bày tỏ lo lắng về việc giao tiếp ngoại ngữ khi đi du lịch. Sự lo lắng này – thường sẽ đi kèm với những ký ức tiêu cực về việc học một ngôn ngữ khác ở trường – khiến bạn trở thành một tấm gương ngại giao tiếp ngoại ngữ trong mắt trẻ và sẽ gây ảnh hưởng phần nào đến việc học tiếng Anh của chúng.
Tuy nhiên, bằng cách tự học tiếng Anh, bạn có thể cho con cái thấy được việc mạnh dạn giao tiếp và đôi lúc bị mắc lỗi sai sẽ luôn đáng khuyến khích hơn là việc chỉ dám nói tiếng Anh khi chuẩn bị được câu từ hoàn hảo. Hãy để ba mẹ trở thành tấm gương tự học cho các con noi theo.
- Hãy cho trẻ chơi bằng tiếng Anh
Trẻ em có khả năng học hỏi, tìm tòi mọi thứ xung quanh một cách tự nhiên mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ người lớn. Trẻ thực hiện quá trình này thông qua những trải nghiệm tinh nghịch đầy niềm vui, và cả những sai sót. Vì vậy, hãy giúp con tiến bộ trong việc học tiếng Anh thiếu nhi bằng việc chơi đùa sử dụng ngoại ngữ.
Hãy thử chơi các trò chơi mặc quần áo thời trang, trốn tìm và các trò chơi quen thuộc khác bằng tiếng Anh tại nhà. Nói cách khác, bạn hãy cho trẻ học tiếng Anh giống như cách chúng đang học tiếng mẹ đẻ của mình vậy.
- Đọc truyện cho trẻ trước lúc ngủ bằng tiếng Anh
Giờ đây cha mẹ có thể dễ dàng tiếp cận được sách truyện bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, đặc biệt là qua các trang trực tuyến hoặc bằng cách trao đổi sách với phụ huynh khác. Trẻ nhỏ thường sẽ không đặt nghi vấn về loại ngôn ngữ mà bạn đang đọc cho chúng nghe – mà điều chúng quan tâm đến là trình tự của những câu chuyện trước khi đi ngủ. Nếu bạn chú ý thực hiện hoạt động này, sẽ tạo ra cơ hội tốt để tranh thủ cho trẻ tiếp xúc thêm với tiếng Anh một cách ấn tượng và đáng nhớ!
Tất cả chúng ta chắc hẳn đều có một chút ký ức về những cuốn sách yêu thích của mình thuở ấu thơ, và đối với một số trường hợp, ta vẫn có thề ghi nhớ những cụm từ trong sách dù đã lâu không thấy hoặc không đọc lại nó trong một thời gian dài. Những câu chuyện đều có một sức hút mãnh liệt với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với việc học ngoại ngữ, vì thế hãy tận dụng các câu chuyện trong việc học ngoại ngữ.
Đọc sách truyện có tranh minh họa cũng là một cách tuyệt vời để phát triển kỹ năng ngôn ngữ, bởi vì mỗi trang truyện đều được hỗ trợ bởi các hình ảnh trực quan. Từ đây ngôn ngữ không những được đơn giản hóa, lặp đi lặp lại mà còn giới thiệu cho trẻ những nét đặc biệt như là vần điệu. Nó còn giúp mở rộng vốn từ vựng và khuyến khích trẻ kỹ năng tư duy đặt câu hỏi về nhân vật và cốt truyện.
Hoặc một cách thay thế hữu ích khác là sử dụng “sách nói” hoặc các câu chuyện trực tuyến nếu cha mẹ không tự tin về khoản đọc thành tiếng cho trẻ bằng tiếng Anh.
- Nghe đài phát thanh tiếng Anh
Có một sự khác biệt giữa khái niệm được “tiếp xúc với một ngôn ngữ” và “học một ngôn ngữ”. Theo cách suy nghĩ truyền thống, khi đề cập đến việc học một ngôn ngữ, chúng ta thường hình dung về các lớp học ngữ pháp ở trường, lặp đi lặp lại các động từ và tất cả mọi thứ cần học đều gói gọn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc học tập trong những năm đầu tiên nên được khởi động bằng việc tiếp xúc với âm thanh và nhịp điệu của ngôn ngữ thay vì có người hướng dẫn, chỉ bảo rõ ràng.
Khi trẻ học ngôn ngữ đầu tiên, não bộ sẽ hoạt động một cách đáng kinh ngạc để lắng nghe mọi thứ xung quanh, chắp nối thông tin và sau đó là sử dụng. Một đứa trẻ sẽ không bắt chước nói từ “teddy” khi nghe lần đầu, nhưng thay vào đó sẽ nghe nhiều người khác nhau nói từ này nhiều lần nữa trước khi trẻ tự mình hình thành cách nói. Đài phát thanh tạo ra cơ hội để nghe một ngôn ngữ được nói bởi nhiều phát thanh viên khác nhau với nhiều giọng khác nhau. Tất cả những gì bạn cần làm là hãy bật kênh phát thanh tiếng Anh để cả nhà cùng nghe nhé!
- Trải nghiệm cùng âm thanh
Trong một số trường hợp, nếu chúng ta không tiếp xúc với một số thông tin nhất định khi còn nhỏ – ví dụ như âm thanh cụ thể của một ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn âm ‘r’ trong tiếng Ý hoặc tiếng Tây Ban Nha – thì khi lớn chúng ta học đến, sẽ rất khó có thể xác định và sử dụng những âm này như một người bản ngữ. Đó là lí do tại sao việc tiếp xúc với âm thanh từ nhỏ là một điều quan trọng để làm chủ ngôn ngữ sau này.
Đồng thời, đây cũng chính là nền tảng để từ đó các tổ chức ngôn ngữ trên toàn thế giới giới thiệu những chương trình dạy phát âm, để ngày càng trở nên phổ biến trong hệ thống giáo dục của Anh trong mười năm qua. Các chương trình dạy phát âm ban đầu được thiết kế riêng biệt để hỗ trợ kỹ năng đọc và viết thông qua bước thực hành phát âm và xác định ký hiệu (chữ cái) đi cùng với nó. Sau đó trẻ sẽ bắt đầy phối hợp âm để tạo ra từ. Việc luyện tập này về sau sẽ trở thành một bước đệm để trẻ có thể tự tin đọc và viết.
Chúng ta có thể học được rất nhiều điều về cách thức giúp trẻ phát triển âm thông qua cách phát âm dựa trên sự lặp đi lặp lại – một cách học có thể hơi khác so với lúc trẻ học tiếng mẹ đẻ. Các chương trình truyền hình dành cho trẻ em như Sesame Street đã và đang sử dụng phương pháp này trong gần 46 năm qua: Hôm nay chữ cái của chúng ta sẽ là chữ B nhé! Chữ B ở đâu nào, chính là trong “Bat, ball, boy, beach” (dơi, bóng, cậu bé, bãi biển).
Bạn cũng có thể dễ dàng thực hiện các hoạt động như thế này ở nhà bằng cách nói ra những từ mới cho trẻ để các bé có thể nghe thấy những âm thanh riêng lẻ: b-a-t, bat. Đi săn tìm kho báu và bắt đầu tìm kiếm mọi thứ vắt đầu bằng chữ “b”. Phát âm ra các từ gồm ba chữ cái đơn giản, gắn các từ vào nam châm tủ lạnh và sau đó thay đổi các chữ cái đầu hoặc cuối, từ “bat” sẽ thành “cat”, “sat” hoặc “mat”. Chơi trò nhảy lò cò với các chữ cái thay vì vẽ số trong các ô như bình thường. Thực hành uốn lưỡi với trẻ em đã có chút hiểu biết về tiếng Anh. Cuối cùng, hãy thử tạo ra chữ cái từ nhiều vật liệu như chất tẩy đường ống hoặc chất dẻo plasticine (thay thế cho đất sét nặn) và thực hành phát âm để trẻ có thể nhận biết hình ảnh của chữ cái trước khi bắt đầu viết.
- Hãy cùng làm thủ công nào
Trẻ con thường sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để… làm bẩn: bé thích dán, cắt, sơn và thậm chí là nướng. Vì vậy, hãy khuyến khích việc này bằng… tiếng Anh. Hoạt động này không nhất thiết là về tiếng Anh, mà thay vào đó nên sử dụng tiếng Anh để hoàn thành nhiệm vụ hay công việc được giao:
- ‘Could you pass me the glue, please?’ – Con có thể cho mẹ xin thêm keo không?
- ‘Thank you’ – Cảm ơn nhé!
- ‘Why don’t you paint a picture? – Tại sao con không vẽ một bức tranh nhỉ?
- ‘Can you help me tidy up?’ – Con có thể giúp bố dọn dẹp không?
Những cụm câu này là ngôn ngữ hữu ích nhất bạn có thể giới thiệu cho con trẻ. Nếu bạn không nói tiếng Anh nhiều, bạn có thể chỉ cần làm theo hướng dẫn bằng công thức audio hoặc công thức trên giấy khi bạn cùng con nướng bánh. Lúc ấy, bạn đang vận dụng vốn tiếng Anh hàng ngày mà giáo viên hay sử dụng trong lớp học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đang chuẩn bị cho trẻ những thứ mà chúng sẽ hay nghe ở trường đấy.
- Hãy hát cùng trẻ
Sau một vài lần nghe bài hát nào đó hoặc thơ ca mẫu giáo, trẻ nhanh chóng bắt đầu ngân nga, hát theo điệp khúc và cuối cùng ghép lại thành một bài hát hoàn chỉnh. Âm nhạc và những vần điệu giúp trẻ sử dụng đầy đủ các câu chữ, ngữ điệu, cao độ và nhịp điệu, cũng như xây dựng được sự tự tin theo cách riêng của trẻ. Những điều này cũng là những đặc điểm ngôn ngữ mà chúng ta sẽ không bao giờ có thể hướng dẫn rõ ràng được cho bé.
Chúng ta cũng có thể giới thiệu cho trẻ các cấu trúc ngữ pháp khá khó nhằn thông qua bài hát. Lấy ví dụ: “If you’re happy and you know it, clap your hands” (Nếu bạn vui vẻ và bạn biết điều đó, bạn hãy vỗ tay). Lời bài hát này chính là một cấu trúc ngữ pháp thực sự phức tạp mà một đứa trẻ sẽ cảm thấy quá khó khăn để học nếu được giảng dạy trên bảng. Hơn nữa, những bài hát sẽ hỗ trợ việc học cho trẻ tốt hơn mà không hề gây áp lực, cũng như xây dựng được nội dung gần gũi và dễ dàng tiếp cận tiếng Anh cho trẻ nhỏ.
Có lẽ sau này ở độ tuổi thiếu niên, khi trẻ đã bắt đầu học nhiều hơn về ngữ pháp, những bài hát này sẽ trở lại và giúp chúng cảm thấy tự tin hơn về các cấu trúc ngữ pháp đã được học.
- Cài đặt ngôn ngữ tiếng Anh trên các thiết bị công nghệ
Mỗi một món đồ công nghệ chúng ta sở hữu đều có đi kèm với các tùy chọn ngôn ngữ, và như chúng ta đã biết, một trong những cách phát triển ngôn ngữ chính là thông qua sự lặp lại. Bằng cách cài tiếng Anh làm ngôn ngữ chính cho ti vi, iPad, máy tính xách tay hoặc điện thoại, mỗi lần bạn hay trẻ truy cập là sẽ tiếp xúc với tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất.
Ngày nay, ngay cả trước khi được học đọc và viết thì trẻ thường đã biết sử dụng iPad hoặc điện thoại của bố mẹ một cách thuần thục. Những cụm từ thường thấy như “password”, “log in”, “select”, “press”, “game over” (mật khẩu, đăng nhập, chọn, nhấn, trò chơi kết thúc) rất có thể là những điểm khởi đầu hữu ích cho trẻ.
- Mời những người bạn nói tiếng Anh đến nhà chơi
Tất cả chúng ta, bất kể ở độ tuổi nào, đều sẽ sử dụng một ngôn ngữ khác khi chúng ta nhận thức được tính thực tiễn của nó. Lớn lên trong một gia đình song ngữ, ví dụ như: Anh – Ý, bạn phải cố gắng sử dụng tiếng Ý với các cô dì chú bác không thể hiểu tiếng Anh cho dù học mang quốc tịch nước Anh đi chăng nữa. Tương tự vậy, mời những người bạn thông thạo tiếng Anh đến nhà chơi là một ý kiến rất tuyệt để trẻ rèn luyện tiếng Anh. Vì trong một môi trường tất cả mọi người đều nói tiếng Anh thì không lí nào trẻ con lại sử dụng tiếng mẹ đẻ nếu không muốn bị lạc lõng khỏi các trò chơi hay đơn giản là không thể giao tiếp với bạn bè.
Vì vậy, phụ huynh nên thường xuyên tổ chức những buổi đi chơi hay buổi tiệc đơn giản là mời những người bạn nói tiếng Anh đến nhà chơi thường xuyên để giúp trẻ cải thiện việc học tiếng Anh một cách đáng kể.
- Hãy thư giãn
Đừng vội lo lắng nếu như trẻ mắc lỗi hoặc không bắt đầu nói tiếng Anh ngay lập tức. Não bộ cần phải trải qua một quá trình giải mã và tìm hiểu vấn đề trong quá trình học ngôn ngữ. Còn việc thực hành tiếng Anh thường phải bắt đầu sau một quãng thời gian dài lắng nghe và suy ngẫm.
Một số bằng chứng cho thấy rằng những đứa trẻ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc có thể cần thêm chút thời gian để sàng lọc và sắp xếp tất cả thông tin vào vị trí. Có lẽ vì thế mà ở trường, một đứa trẻ tiếp nhận thông tin mới bằng ngôn ngữ thứ ba hoặc thứ tư có thể sẽ hơi chậm so với đứa trẻ đang xử lý thông tin ấy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ – ngôn ngữ duy nhất của chúng.
Một ví dụ thực tế về một lớp song ngữ: Anh – Tây Ban Nha. Cô bé năm tuổi đã không chịu đọc tiếng Anh thành tiếng to rõ trong lớp như các bạn khác chỉ vì lí do các âm trong tiếng Tây Ban Nha (tiếng mẹ đẻ của cô bé) và tiếng Anh không giống nhau, cô bé không muốn mắc lỗi sai trong cách phát âm.
Qua ví dụ trên, các bậc phụ huynh hãy khoan vội lo lắng, bởi vì đứa trẻ đa ngôn ngữ sẽ sớm bắt kịp các bạn đồng trang lứa mà không cần đến bất kỳ sự trợ giúp nào. Thêm vào đó, có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng trong cuộc sống sau này, việc nói được nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ giúp duy trì khả năng ghi nhớ của não bộ.