CÔ GÁI VIỆT TÔT NGHIỆP ĐH HARVARD:” TÌNH YÊU BẢN THÂN LÀ TÌNH YÊU LỚN NHẤT CUỘC ĐỜI”
CÔ GÁI VIỆT TÔT NGHIỆP ĐH HARVARD:” TÌNH YÊU BẢN THÂN LÀ TÌNH YÊU LỚN NHẤT CUỘC ĐỜI”
Cô gái Việt tốt nghiệp ĐH Harvard: “Tình yêu bản thân là tình yêu lớn nhất cuộc đời”
Cao Phương Hà từng làm việc cho Ngân hàng Thế giới – World Bank và một số tập đoàn quốc tế khác. Cô còn tham gia tư vấn tài chính, chính sách cho chính phủ cũng như các cơ quan của Mỹ và Trung Quốc.
Sau 14 năm làm việc, cô gái bất ngờ quay về Việt Nam. Hiện cô là tổng giám đốc điều hành của tổ chức giáo dục Quốc tế EF Education First Việt Nam.
Tiếc cho người trẻ Việt
Khi đến các trường gặp gỡ, giao lưu với học sinh, sinh viên, cô thấy rất tiếc cho các bạn trẻ Việt Nam.
Dù chăm chỉ, thông minh nhưng các bạn thiếu sự tự tin, không đủ tự tin để đưa ra chính kiến của mình; thiếu sự tự tin để tự giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn.
Họ không dám đối diện để giải quyết một cách trực diện vấn đề của mình mà thường nhờ đến bố mẹ hoặc chỉ nói vấn đề sau lưng.
“Tiếc cho năng lực, tiềm năng của học sinh Việt Nam bị bỏ phí. Nói chuyện sinh viên Việt Nam, có khi tôi phải nói rằng sự tự tin của các bạn không bằng một học sinh tiểu học ở một nơi giáo dục phát triển. Các bạn bị bó hẹp trong suy nghĩ, không tự tin ở bản thân.
Thời gian để các bạn học kiến thức quá nhiều, không có nhiều không gian để các bạn trẻ khám phá, trải nghiệm bản thân qua các môn nghệ thuật như hát, múa, nhảy, âm nhạc, mất đi khả năng tự học… Và vì thế, các bạn mất đi sự kết nối với chính bản thân, con người mình, dẫn đến mất sự tự tin.
Trong khi, kiến thức hôm nay bạn học có thể ngày mai không còn nữa. Trong khi, khả năng tự học và tự thay đổi bản thân để phù hợp với thời đại là yếu tố hàng đầu lại chưa được chú trọng.
Dù tài năng đến đâu mà không tự tin ở bản thân thì không thể hiểu bản thân, không thể sống với con người thật sự của chính mình”, Cao Phương Hà cho hay.
Thế giới cần những con người bình thường khỏe mạnh
Cao Phương Hà nhấn mạnh, điều cần thay đổi nhất của chúng ta là thay đổi con người. Thay đổi về cách suy nghĩ, thay đổi cách giao tiếp, quan niệm về chính bản thân mình.
Chúng ta chấm điểm, đánh giá bên ngoài… chúng ta đang quá khắt khe với nhau từ trong gia đình đến trường học và trong cuộc sống. Chúng ta thiếu đi sự nâng đỡ nhau cùng đi lên.
Nhiều người đang chạy theo tiền bạc, chạy theo sự thành công và lấy đó là thước đo. Đôi khi thước đo này kéo theo nhiều hệ lụy như về môi trường, về quan hệ người và người, con người với xã hội bị đổ vỡ.
Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại để hỏi: Thế nào là hạnh phúc, hạnh phúc đến từ đâu? Giáo dục chân chính là như thế nào?
Cô bày tỏ quan điểm: “Một trong những cách đóng góp cho thế giới là hãy chính là mình. Thế giới này không cần người thành công hơn nữa, thế giới này cần những con người bình thường: khỏe mạnh về cả mặt tâm hồn, lẫn thể chất, con người hạnh phúc và vui vẻ”.
Và khi bạn là chính mình, yêu thương con người của mình, phát triển thế mạnh của bản thân là bạn đã đóng góp cho thế giới, bạn không cần phải chạy theo bất cứ điều gì to tát.
Cao Phương Hà nhấn mạnh, tình yêu với bản thân mình là tình yêu quan trọng nhất, tình yêu lớn nhất cuộc đời mỗi người. Vì chỉ khi yêu được bản thân mình, chúng ta mới có thể yêu được người khác một cách tốt đẹp.
Khi tình yêu dành cho bản thân tràn đầy, bạn thấy mình có giá trị, mình tốt đẹp thì mới có thể nhân điều tốt đẹp đó đến với mọi người, ra xã hội. Còn ngược lại, chúng ta không thể là một hạt giống tốt.
“Con người sinh ra chỉ một lần và là để sống cuộc đời thật sự với chính mình”, Hà nói.
Hà cũng chia sẻ, ngoài kiến thức và kỹ năng, có hai điều rất quan trọng với mỗi con người là xu hướng, cá tính và nhân cách, nhân văn của con người với con người, của con người với xã hội mà rất nhiều người đang bỏ lỡ.
Cái này không tiền nào có thể mua được. Không tiền nào mua được sự đối đãi giữa con người và con người, cách chúng ta đối xử với bản thân mình như thế nào… Điều này, đòi hỏi sự chuyển hóa về mặt nhận thức.
Về nước để tìm thấy chính mình
“Tổng giám đốc ngân hàng thế giới từng nói với tôi rằng Việt Nam không thể phát triển nếu cứ theo mô hình “xuất khẩu” – nguồn lực tốt đẹp nhất của xã hội đem ra bên ngoài”, với Hà, đó cũng là một lời nhắc nhở với chính bản thân mình.
Cô biết, rất nhiều người trở về và rồi lại ra đi, không sung sướng gì, một số bạn có công việc tốt nhưng thực tế nhiều bạn cực kỳ khó khăn ở ngước ngoài. Nhất là khi lớn tuổi, con người ta càng muốn trở về với cội nguồn.
Với bản thân Hà, thời gian đầu về nước, cũng gặp nhiều khó khăn bởi môi trường làm việc rất khác biệt và phải điều chỉnh bản thân mình để thích nghi.
Nhưng càng ngày, cô nhận ra chính những khó khăn ấy tạo cho mình nhiều cơ hội để thể hiện, đóng góp bởi có nhiều thứ có thể làm được ở đất nước mình.
Rời Mỹ về Việt Nam, Hà đã chọn làm việc không vì tiền. Mà trở về, cô được gần hơn với mơ ước của mình, thấy được ý nghĩa của cuộc sống, trả lời được câu hỏi “Sống để làm gì?”.
Trong thâm tâm, cô có sự tiếc nuối nhưng lấy đó làm động lực để mình sẽ làm được nhiều hơn nữa…
Hoài Nam
Dân trí