162/18 Bình Lợi, Phường 13, Q. Bình Thạnh
Thứ 2 - Thứ 7: 08:00 - 17:00
Hotline: 0909.355.967

NGHIÊN CỨU SINH MỸ MUỐN GIÚP HỌC SINH VIỆT NAM THÍCH HỌC

Home © > NGHIÊN CỨU SINH MỸ MUỐN GIÚP HỌC SINH VIỆT NAM THÍCH HỌC

NGHIÊN CỨU SINH MỸ MUỐN GIÚP HỌC SINH VIỆT NAM THÍCH HỌC

Sau thành công của chương trình thúc đẩy tiềm năng học sinh ở Mỹ, Nguyễn Thị Sao Ly, nghiên cứu sinh Đại học Johns Hopkins, muốn đưa nó về Việt Nam.

Tại diễn đàn “Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019” ngày 28/11 ở Hà Nội, cô gái Nguyễn Thị Sao Ly, 26 tuổi, tự tin trình bày về SARE (Summer Academic Research Experience) – chương trình trải nghiệm mùa hè nhằm tìm kiếm và thúc đẩy tiềm năng của những học sinh không thích học.

“Tôi rất bất ngờ khi nhận được sự quan tâm của mọi người về chương trình hỗ trợ giáo dục SARE”, Ly nói. 

Nguyễn Thị Sao Ly tại diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019. Ảnh: Thanh Hằng

Nguyễn Thị Sao Ly tại diễn đàn “Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019”. Ảnh: Thanh Hằng

Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, Nguyễn Thị Sao Ly và hai anh chị ruột được trải nghiệm môi trường học tập tiên tiến ngay từ nhỏ. Năm 15 tuổi, Ly đến Mỹ, học lớp 11 trường King’s Academy, sau đó trở thành sinh viên Đại học California tại Los Angeles, tốt nghiệp cử nhân trong top 5% người giỏi nhất trường.

Năm 2017, Ly nhận được thư mời phỏng vấn và nhập học chương trình tiến sĩ tại 8 trường ở Mỹ. Đam mê nghiên cứu y học, cô lựa chọn chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Biochemistry Molecular and Cellular Biology (BCMB) của Đại học Johns Hopkins.

Trong năm đầu tiên tại Hopkins, Ly dành thời gian tìm hiểu nội dung nghiên cứu phù hợp của các giáo sư trong trường và tham gia phòng nghiên cứu cơ động học của tế bào do giáo sư Douglas Robinson hướng dẫn. Dù nghiên cứu y học, cô vẫn luôn quan tâm đến giáo dục và sẵn sàng tham gia tổ chức chương trình giáo dục SARE cho học sinh trong thành phố Baltimore (Mỹ).

Là chương trình ngắn hạn kéo dài hai tháng mỗi dịp hè, SARE được giáo sư Robinson lên ý tưởng và thử nghiệm lần đầu năm 2009, được duy trì đến hiện tại. SARE hướng tới học sinh thiếu động lực, không muốn học hoặc chưa có định hướng sự nghiệp rõ ràng để thúc đẩy và phát triển tiềm năng các em.

“Tôi cho rằng nhân lực giúp một đất nước phát triển không chỉ nằm ở những học sinh, sinh viên ưu tú mà còn ở những người gặp khó khăn, chưa có điều kiện và thiếu động lực phấn đấu”, cô nói.

Nguyễn Thị Sao Ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Thị Sao Ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tại Mỹ, học sinh muốn tham dự SARE sẽ gửi đơn giới thiệu hoàn cảnh, tính cách và vấn đề gặp phải để ban tổ chức tìm người phù hợp. 20 học sinh được chọn sẽ trực tiếp trải nghiệm môi trường học tập, nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins trong hai tháng thông qua sự hướng dẫn của những nghiên cứu sinh ưu tú. Để nâng cao chất lượng, một học sinh được ghép cặp với một nghiên cứu sinh.

Ngoài thời gian học tập, nghiên cứu, 20 học sinh được tham gia những buổi workshop do chính giáo sư Douglas Robinson tổ chức để giúp các em tìm định hướng, lấy lại động lực học tập.

Ly cho rằng ưu điểm lớn nhất của SARE là tạo dựng động lực phấn đấu, giúp học sinh tìm ra điểm mạnh, yếu và đánh giá được khả năng của bản thân trong môi trường học tập, nghiên cứu chuyên nghiệp. “Tham gia chương trình, ban tổ chức trả lương cho các em. Số tiền không lớn nhưng thể hiện sự trân trọng và công bằng cho công sức các em bỏ ra”, cô cho biết.

Trong hai năm tham gia với tư cách nghiên cứu sinh hướng dẫn, Ly ấn tượng với một học sinh nữ là người gốc châu Á. Cô đánh giá, em này rất giỏi nhưng lại cảm thấy tự ti và “luôn nghĩ mình không đủ khả năng”. Trong hai tháng đồng hành, cô liên tục động viên, tạo điều kiện cho nữ sinh lớp 12 tham gia nhiều hơn vào việc nghiên cứu. Kết quả, tháng 10 vừa qua, nữ sinh thi đỗ vào Đại học Yale, một trong những trường tốt nhất nước Mỹ.

“Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì những gì cô bé đạt được. Thầy Robinson từng nói sẽ không bất ngờ nếu 10 năm nữa em ấy cũng trở thành giáo sư. Giúp đỡ học sinh tự tin hơn vào bản thân và tìm ra hướng đi cho mình là những điều SARE hướng tới”, Ly chia sẻ.

Sau 10 năm áp dụng với 200 học sinh, chương trình SARE đạt kết quả ấn tượng khi 98% các em tham gia tốt nghiệp cấp ba và 83% đỗ đại học, cao gần gấp đôi so với mức trung bình của thành phố Baltimore là 65% và 48%.

Sao Ly tại White Coat Ceremony 2019, Đại học Johns Hopkins. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sao Ly tại White Coat Ceremony 2019, Đại học Johns Hopkins. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sao Ly cho rằng SARE cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là trước đại học. “Nếu ứng dụng SARE tại Việt Nam, các trường cần thay đổi một số tiêu chí như hình thức giảng dạy, môn học đăng ký và điều chỉnh tỷ lệ giữa người hướng dẫn với học sinh để phù hợp với nguồn lực của nhà trường và trình độ các em”, cô chia sẻ.

Ngoài ra, để triển khai và áp dụng mô hình này tại Việt Nam trong tương lai, Ly cho rằng điều quan trọng nhất là các đại học và trường cấp ba tìm được cách kết nối và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư để lấy kinh phí duy trì hoạt động của chương trình.

“Nếu quan tâm đúng mức đến nhóm lao động có khả năng nhưng thiếu động lực phấn đấu, tôi tin Việt Nam sẽ phát triển toàn diện, công bằng và không bỏ lại bất kỳ ai phía sau”, cô gái kết thúc phần thuyết trình.

Tối nay, Ly trở lại Mỹ để tiếp tục nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins. “Khi chương trình SARE hoàn thiện và có thể triển khai rộng rãi, nếu nhận được lời mời trở thành người hướng dẫn hoặc cố vấn từ một cơ sở giáo dục tại Việt Nam, tôi sẵn lòng trở về”, cô nói.

       Theo Thanh Hằng (vnexpress )

0909.355.967