Lí do mà Mỹ Quyên học hai trường vì em hiện đang học theo diện double degree (văn bằng 2), 2 năm đầu học ở Phần Lan và năm thứ 3 học ở Đức.
Nói về hành trình du học của mình, Quyên cho hay, đầu năm lớp 12, em tình cờ được biết nền giáo dục Phần Lan được đánh giá là tốt nhất trên thế giới nên đã tự mình tìm hiểu về đất nước này và nuôi giấc mơ được du học ở Phần lan từ đấy.
“Tất cả quá trình tìm hiểu, làm hồ sơ, đi thi đều là em chuẩn bị, không có sự giúp đỡ của bất kì trung tâm nào. Em tìm kiếm các thông tin từ internet, đặc biệt là qua nhóm Hội sinh viên Việt nam tại Phần Lan.
Sau khi vượt qua được kì thi đầu vào, em đã may mắn trúng tuyển vào trường Hameen. Năm em thi vào được miễn toàn bộ học phí đến hết đại học nên em chỉ cần chi trả chi phí sinh hoạt”, Quyên tâm sự.
Là cô gái năng động, ham học hỏi, Mỹ Quyên từng giữ vị trí Bí thư lớp C6K42 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn trường. Em đạt giải Ba kì thi Học sinh Giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2014-2015, là trưởng BTC chương trình ”Vì tiếng cười trẻ thơ 2016”, Quản lý ban ”fundraising and sales” của dự án ” nternational Christmas Market 2017” ở Valkeakoski.
Về thức ăn, đa phần du học sinh Việt có thể mua nguyên liệu nấu món Việt ở chợ châu Á, thành phố nào cũng có, đặt biệt ở những nước có nhiều người Việt học tập sinh sống như Đức, Pháp, Cộng hòa Séc; còn ở Phần Lan chỉ những thành phố lớn mới có.
Các gia vị như nước mắm, xì dầu, tương ớt đều có thể tìm ở chợ châu Á nên bạn không cần mang vì chúng khá nặng. Tân du học sinh nên mang các đồ khô, ruốc bông hoặc bò khô (mỗi thứ có thể mang tối đa 2 kg).
“Những chỗ trống trong vali nên được lấp đầy bằng đồ ăn Việt Nam” là kinh nghiệm mà giới du học sinh truyền đạt lại. Thời gian đầu khi bạn chưa quen với thức ăn bản địa, đồ ăn đem theo từ Việt Nam, đặc biệt là mì gói, sẽ là “cứu tinh” của bạn.
Dù các nước đều có siêu thị châu Á, nhưng đa số đều bán thực phẩm Trung Quốc, ít đồ Việt Nam, gia vị Việt (bột nêm, gia vị phở, bò kho…) vì thế lại càng hiếm, nếu có thì mùi vị cũng không đậm đà. Do đó với những bạn dự định tự nấu ăn thì đừng quên đem theo nồi cơm điện và gia vị.
Những món đồ ăn gọn nhẹ, dễ ăn như ruốc, lạc rim, tôm khô, bò khô, măng khô, ngũ cốc và đặc biệt mì tôm gói… sẽ là “cứu cánh” của bạn trong những ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đến nước bạn mà chưa thể làm quen ngay với các món ăn bản địa.
Không nhất thiết mang đồ ăn vặt qua nhưng nếu nghiện những món đặc trưng của Việt Nam như ô mai, khô gà lá chanh, cà phê thì hãy mang một ít nếu thừa cân.
Quyên thường đi du lịch các nước trong khối Liên minh châu Âu (EU) trong những kì nghỉ lễ.
Quần áo không cần mang nhiều, mang càng ít càng tốt vì du học sinh sang trời Âu thường xuyên săn “sale”, mà sale thì rất nhiều.
Đối với các bạn năm nhất mới qua nên mang một bộ áo dài cho nữ và một bộ vest cho nam vì thường trường đại học sẽ tổ chức cho sinh viên ngày “International day” để tìm hiểu văn hóa giữa các nước với nhau vì vậy sẽ rất tuyệt nếu có bộ trang phục của dân tộc mình.
Đồ gia dụng như nồi cơm điện, đồ bếp, máy sấy, bình đun nước nóng: Đối với các bạn biết rằng mình sẽ ở chung nhà với người Việt thì tốt nhất không cần mang theo vì người ta đã có sẵn và có thể dùng chung.
Nếu ai ở một mình thì cũng không cần mang đồ gia dụng vì có thể đặt mua trên Amazon khá tiện và giá không đắt. Nên mang một ít bát đũa sang cho những ngày đầu không mua sắm được còn có để dùng. Đũa ở đây khá khó mua nên có thể mang theo 1 bao.
Và không thể quên là thuốc thang. Tân du học sinh nên mang theo một ít thuộc cơ bản như thuốc cảm, thuốc hạ sốt, thuốc đau bụng lành tính.
Vì ở Mỹ muốn có thuốc thì phải đi khám bác sĩ, phải bác sĩ kê đơn thì nhà thuốc mới bán cho mình chứ không phải chỉ cần bị đau bụng ra nhà thuốc sẽ mua được. Các bạn du học sinh Việt khi mới qua Mỹ, chưa có bảo hiểm, chưa quen khu vực sinh sống, nếu có bị gì thì khó xoay sở kịp.
Nếu có máy ảnh nên mang đi vì ở châu Âu đi du lịch rất nhiều nước và tự do giữa các nước, cảnh đẹp vô cùng để ở hành lý xách tay.
Cô bạn có tính cách vui vẻ và dễ hoà nhập.
Cuối cùng, quan trọng không kém là giấy tờ tùy thân. Bạn nên mang hộ chiếu, visa, căn cước công dân, bằng lái xe vì ở đây có nhiều khi cần check, chẳng hạn đi mua bia rượu thì kiểm tra xem có trên 18 tuổi ở châu Âu (trên 21 tuổi ở Mỹ). Ở các nước châu Âu bạn sẽ quen với việc bị kiểm tra tuổi do chúng mình mặt thường non thì người ta sẽ luôn kiểm tra.
Nếu các bạn mới sang thường ngần ngại việc mua đồ vì tâm lý nhìn gì cũng thấy đắt, có thể tìm các hội trao đổi mua bán hàng hóa của hội sinh viên Việt Nam ở các đất nước ấy.
“Những chia sẻ của mình chỉ mang tính chất tham khảo vì cách sống, cách sinh hoạt của mỗi người là khác nhau”, Quyên nói thêm.
Khi được hỏi về điều nhắn nhủ với những bạn trẻ có ước mơ du học mà xuất phát từ tỉnh lẻ, Mỹ Quyên nói: “Chúng mình là những người trẻ sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ, mọi thông tin đều có thể tìm thấy ở internet nên xuất phát từ tỉnh lẻ hay thành phố trực thuộc trung ương đều như nhau. Giấc mơ của mình phụ thuộc nhiều vào cách mình hành động chứ không phải hoàn cảnh”.
Nữ du học sinh 9X nhấn mạnh, việc tìm hiểu trước thông tin về đất nước mình sắp đến rất quan trọng. Vừa để tránh những cú sốc văn hoá, vừa là phương tiện để mình dễ kết bạn hơn với người nước ngoài nếu mình hiểu tính cách của họ.
“Đừng bị động. Đừng bao giờ ngại học hỏi và hãy không ngừng cố gắng vì mục tiêu tương lai”.
Từ trải nghiệm bản thân, Mỹ Quyên mở kênh youtube chia sẻ kinh nghiệm và cuộc sống du học.
Quyên tâm sự, điều quý báu nhất em học được khi đi du học là tính tự lập. Đi du học tức là mình phải tự lo cho bản thân mình, tự quản lí và có trách nhiệm về cuộc sống và những quyết định của mình.
Ấn tượng nhất của cô gái Việt về nền giáo dục Phần Lan chính là sự trung thực và tính tự học. Phần Lan không phải là đất nước cho gian lận, dối trá. Phần Lan cũng cho phép sinh viên được thoả sức sáng tạo và sắp xếp cách học của mình, không nhồi nhét và luôn giữ cân bằng giữa học và trải nghiệm.
Dự định của Mỹ Quyên trong tương lai gần là tốt nghiệp 2 trường với kết quả tốt còn xa hơn là tìm kiếm cơ hội làm việc ở Phần Lan trong một vài năm tới.