5 CÁCH ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI ÁP LỰC KHI DU HỌC MỸ
Những ngày đầu trên đất Mỹ, khi phải nói một ngôn ngữ mới và ăn những món ăn “lạ”, chắc hẳn bạn sẽ có lúc rơi vào trạng thái sốc văn hóa. Với kinh nghiệm sống xa nhà bảy năm và hiện là du học sinh tại Mỹ, mình xin chia sẻ với các bạn độc giả của USIS Education 5 cách đã giúp mình có thể sống vui, sống khỏe tại nước ngoài.
Về thể chất: Học cách tới phòng gym đều đặn
Các bạn đã bao giờ nghe tới câu: “Một tinh thần khỏe mạnh sống trong một cơ thể khỏe mạnh” chưa? Chăm sóc bản thân là bước đầu tiên bạn cần phải làm khi tới một đất nước xa xôi để có được trí tuệ minh mẫn. Hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều trang bị phòng gym cho sinh viên và giáo viên đến luyện tập. Đây là một nguồn tài nguyên hết sức hữu ích mà nhà trường dành riêng cho sinh viên quốc tế, vậy nên hãy tận dụng nó!
Mình hiện tại là sinh viên năm cuối nhưng phải đến năm 3 thì mới bắt đầu chăm chỉ tập luyện ở phòng gym, và thói quen này giúp mình có sự cải thiện rõ rệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Mình đã rất hối hận vì không đi sớm hơn, vậy nên các du học sinh tương lai nhớ hãy chăm sóc tinh thần của mình bằng cách chăm chỉ luyện tập thể thao. Đó là chưa kể việc tận dụng các nguồn tài nguyên của trường đại học cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được ngân sách sinh hoạt phí.
Về tinh thần: Rèn luyện kỉ luật thép
Mình chắc là có nhiều lúc bạn nghi ngờ bản thân, bạn cảm thấy bản thân yếu kém và không thể chống chọi được với áp lực khủng khiếp từ gia đình và môi trường sống xung quanh. Bạn có quyền cho phép bản thân có những phút yếu lòng như vậy. Tuy nhiên, nếu xác định sống và định cư lâu dài tại một quốc gia khác, bạn phải học cách “chiến đấu” như một chiến binh dũng cảm.
Để đạt được một ước mơ lớn, bạn phải học cách chịu áp lực thật lớn. Vậy nên, hãy cứ đau đi, khóc lóc cũng được, nhưng sau rồi cũng phải lau khô nước mắt và gạt bỏ những phiền muộn sau lưng để dũng mãnh đi tiếp về phía trước.
Về các mối quan hệ: Duy trì và phát triển
Hãy duy trì mối quan hệ với bạn bè ở Việt Nam cũng như bạn bè là du học sinh ở nước khác bởi họ sẽ là nguồn động viên rất lớn trong lúc bạn thiếu vắng tình cảm nơi phuơng xa. Hơn ai hết, họ là những người trẻ như bạn nên có thể thức khuya tâm sự với bạn những câu chuyện “dở khóc dở cười” nơi xứ người. Với sự chân thành gắn bó, khoảng cách địa lí sẽ chỉ là những con số.
Và bạn cũng nên thường xuyên gọi điện cho gia đình nữa nhé. Càng đi xa, bạn sẽ hiểu ra rằng tình cảm vô điều kiện của những người thân trong gia đình là vô cùng thiêng liêng. Thế giới ngoài kia xô bồ lắm, nhưng nói chuyện với gia đình sẽ làm bạn ấm lòng và tự tin lên rất nhiều.
Nhưng sau tất cả, bạn cũng đừng quên kết bạn ở nước sở tại. Bạn bè và người thân ở Việt Nam sẽ không thể “vai kề vai”, sát cánh cùng bạn ở hiện tại. Vậy nên, hãy học cách tạo dựng mối quan hệ thân thiết với những người hiểu bạn và những người có thể giúp đỡ bạn trên con đường thăng tiến tại Mỹ. Hãy mở lòng mình ra và bạn sẽ nhận lại được rất nhiều tình cảm từ những người “xa lạ”.
Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lí
Có lẽ bạn cũng từng đọc được thông tin này trên các bài viết chia sẻ đời sống sinh viên của USIS Education, đó là hầu hết các trường đại học ở Mỹ đều có bộ phận tâm lí, bao gồm các bác sĩ tâm lí được đào tạo chuyên sâu nhằm giúp đỡ sinh viên vượt qua khó khăn trong thời gian du học. Bạn đừng ngại ngùng đặt chân tới bộ phận hỗ trợ thể chất và tâm lý sinh viên với suy nghĩ “mình không bình thường” vì thường xuyên yếu đuối, nhớ nhà. Ai cũng sẽ cảm thấy như vậy, chỉ là ít hay nhiều và mỗi người sẽ có những cách khác nhau để vượt qua nỗi nhớ.
Vậy nên, hãy mạnh dạn đi nói chuyện với những người có chuyên môn để được nghe họ tư vấn và tìm cách giải quyết.
Bên cạnh đó, bạn bè cũng là nơi bạn có thể giãi bày tâm tư. Như mình đã chia sẻ ở trên, những người bạn sinh viên quốc tế là những người cùng thế hệ và có thể cũng cùng hoàn cảnh như bạn, do đó việc trò chuyện cùng họ chắc chắn sẽ vơi đi nỗi buồn và giúp bạn hiểu hơn về những người xung quanh.
Cuối cùng, hãy tham gia hoạt động ngoại khóa!
Khi du học Mỹ, bạn sẽ được tiếp cận rất nhiều câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa lý thú ngay trên khu học xá. Đừng tập trung quá vào nỗi buồn của bản thân và dành năng lượng đó cho việc nghĩ xem bạn muốn hay thích đào sâu nghiên cứu, tham gia vào những hoạt động thể thao, thiện nguyện nào. Tiếp đến, bạn có thể tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ của những người bạn cùng chung sở thích (hay thậm chí là tự đứng ra thành lập câu lạc bộ của riêng mình, tại sao không!)A
Tóm lại, với kinh nghiệm của riêng mình, mình nhận ra một trong những lí do khiến bạn phải chịu nhiều áp lực là do tâm lí sợ bị chối bỏ và không hòa nhập được. Tuy nhiên, nếu bạn có thể hòa nhập hơn với cộng đồng bằng cách tham gia những hoạt động sở trường thì bạn sẽ rũ bỏ được tâm lý tiêu cực và lạc quan hơn trong cuộc sống hiện tại.
Sống, học tập và làm việc tại một đất nước xa lạ cần nhiều kĩ năng và sự kiên nhẫn. Mình hi vọng các bạn đủ “chân cứng đá mềm” để vững bước trên con đường mình đã chọn. Các bạn không cần phải cố gồng mình lên chống trọi với áp lực, nhưng học được cách bình thản trước sóng gió sẽ làm bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Chúc các bạn có một hành trình du học Mỹ màu sắc và đáng nhớ!